TP Hạ Long: Hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

 
 

Với nhiều hình thức, nội dung thi đua phù hợp, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn TP Hạ Long đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Lực lượng chức năng TP Hạ Long kiểm tra, xử lý phương tiện đeo bám tàu du lịch để bán hàng. Ảnh: Thái Bình

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc việc giữ gìn môi trường sống, xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính, nếp sống văn hóa, văn minh. Các cấp, ngành, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, coi đây là niềm tự hào, tự trọng của mỗi người dân thành phố góp phần xây dựng TP Hạ Long kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; vận động nhân dân hiến đất, dịch tường rào, làm vỉa hè, chỉnh trang đô thị; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần xây dựng đô thị Hạ Long văn minh, thành phố “3 không” (không để mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; không có ăn xin, ăn mày; không để mất an ninh trật tự, hình thành điểm nóng trên địa bàn), thành phố của di sản, thành phố của hoa và lễ hội.

Các cơ quan chức năng địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý về chất lượng, giá cả, nguồn gốc hàng hóa, ngăn chặn các hành vi đeo bám, chặt chém đối với du khách; thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra, nắm tình hình cơ sở hoạt động tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, tàu du lịch; xử lý cương quyết vi phạm: Tour thăm đảo hoang, câu mực đêm, bán hàng rong… Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, kiểm tra 3.101 lượt cơ sở; xử phạt 143 cơ sở, giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 750 triệu đồng. Qua đó góp phần vào việc kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, du lịch.

Địa phương cũng tập trung thực hiện về quy hoạch, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đời sống văn hóa, thể thao…Thành phố quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa thể thao, nhất là nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện trên địa bàn thành phố có 237 công trình nhà văn hóa sử dụng cho 243 thôn, khu; 100% nhà văn hóa thôn, khu đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng cơ bản nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, tổ chức văn nghệ… của nhân dân. 

Các hoạt động thể dục thể thao được quan tâm, duy trì tổ chức thường xuyên nhân các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị của tỉnh, của thành phố và của địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, tăng tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Khu phố 2, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) tổ chức hội nghị hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Trong đời sống dân sinh, phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, đa số các gia đình chủ động tham gia phong trào và đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Phong trào xây dựng “Thôn văn hóa”, “Khu phố văn hóa” tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, qua đó khơi dậy được niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư, trong từng tổ dân, thôn, khu phố, nhằm phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, trợ giúp các gia đình khó khăn, xoá đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...

Điều đó đã tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo thống kê, hằng năm thành phố có 95,4% hộ gia đình đạt "Gia đình văn hóa". Đến hết năm 2023, TP Hạ Long có 21/21 phường chuẩn văn minh đô thị; 9/12 xã chuẩn văn hóa nông thôn mới; thôn, khu văn hóa đạt 96,7%.

 

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 170