Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp Tỉnh Đình, Miếu Yên cư

       Thực hiện quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2023 của ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc quyết định xếp hạng di tích lịch cấp tỉnh với cho di tích lịch sử Đình - Miếu Yên Cư phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh . Ngày 8/1/2024 UBND phường Đại Yên, ban quản lý di tích lịch sử Đình - Miếu Yên Cư và đông đảo bà con nhân dân phường Đại Yên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng di tích lịch. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, thành Ủy viên, phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đã về dự và trao bằng.

        Đình Yên Cư là công trình có lịch sử lâu đời với kiến trúc độc đáo. Cũng như bao ngôi đình khác trên đất nước Việt Nam, lịch sử hình thành và tồn tại của đình Yên Cư gắn với lịch sử phát triển của làng xã Yên Cư, gắn với cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc, đúng với tên gọi của làng Yên Cư - Lạc Nghiệp.

        Sau khi làng Yên Cư phát triển đông vui, dân làng đã cùng nhau xây dựng một ngôi đình chung để làm nơi họp bàn các công việc hệ trọng của làng xã, làm nơi thờ thần bảo vệ làng ( thành hoàng làng) và tổ chức lễ hội hàng năm của nhân dân trong làng. Ngôi đình còn là nơi dân làng gửi gắm niềm tin thiêng liêng và tôn thờ các vị thành hoàng làng của làng xã. Cầu mong thành hoàng làng che chở, độ trì cho dân làng sức khỏe dồi dào, tránh được tai ương, làm ăn thuận buồm xuôi gió. Nhân dân làng Yên Cư còn xây dựng bốn ngôi miếu để thành hoàng ngự, xây chùa để nhân dân khói hương cầu nguyện, tạo thành một quần thể thiết chế văn hóa của làng xã như bao làng quê khác trên đất Việt.

       Căn cứ theo tư liệu Hán Nôm, theo những vật liệu kiến trúc thu thập được tại đình Yên Cư, miếu Nghè, miếu Đông và theo một số nguồn tư liệu khác: đình Yên Cư được xây dựng tại thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XVIII) ở vị trí như hiện nay và đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa về sau, được ghi lại trong hai tấm bia đá thờ tại đình.

        Theo tấm bia khắc vào thời Nguyễn (không không có năm khắc), có một người họ Đào và vợ họ Nguyễn ( bia bị mất chữ) đã phát tâm công đức tiền của để tu sửa lại đình, được dân làng tôn làm hậu thần, cho khắc tên vào bia đá và thờ tại đình. Giỗ ngày 21 tháng Giêng. Tấm bia đá khắc năm Duy Tân thứ 3 (1909 - bị mờ nhiều chữ) ghi lại việc trùng tu tôn tạo đình Yên cư và quy định của bản xã trong việc cúng hậu thần.

       Theo các cụ già trong khu kể lại, ngôi đình Yên Cư trước khi bị thực dân Pháp phá hoại có kiến trúc chữ đinh, ba gian, hai trái tiền đường và hai gian hậu cung. Tường xây bằng gạch đỏ, máy lợp ngói vẩy, trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu Nhật, hai đầu kìm đập rồng ngập bờ nóc, trên bờ dải đắp nghê chầu, bốn đầu đao uốn cong đầu rồng. Toàn bộ hệ thống cửa ra vào, cột, vỉ kèo được làm bằng gỗ lim, chân cột kê trên tảng đá xanh. Vì kèo kiểu chồng rường, con nhị. Trên các câu đầu, đầu dư, rường, đấu, bẩy hiên đều được chạm khắc hình rồng và hoa văn uốn lượn. Sàn đình lát bằng gỗ theo các cấp, đây là nơi dùng để phân biệt ngôi thứ của các vị chức sắc trong làng mỗi khi có việc hệ trọng.

       Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, đình Yên Cư được sử dụng làm nơi thành lập Đội Tự vệ vũ trang của xã, tổ chức dạy Bình dân học vụ và bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình được sử dụng làm nơi bầu Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính kháng chiến, in ấn và cất dấu truyền đơn cách mạng, đặt hũ gạo để quyên góp ủng hộ kháng chiến. Năm 1951, sau khi thua trận ở chiến dịch biên giới (1950), thực dân Pháp đã lập “vành đai trắng” ở khu vực Yên Cư, Đại Đán, Yên Lập, giết người, cướp của, đốt phá nhà cửa rất dã man, đình Yên Cư cũng bị chúng phá hỏng cùng ba ngôi đình ở các xã khác chỉ còn lại bệ thờ gian hậu cung, tượng và một số đoạn tường bao. Tượng thành hoàng Cao Sơn thượng đẳng thần được dân làng chuyển đến miếu Đông để thờ. Miếu Nghè bị hỏng, miếu Cây Đa và miếu Vu Linh cũng bị hư hỏng nhiều, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính.

      Năm 2005, nhân dân khu Yên Cư đã chung tay góp sức tôn tạo, xây dựng lại đình trên nền móng cũ khang trang như hiện nay với tổng kinh phí khoảng 300.000.000 đồng.

      Cho dù ở bất cứ thời đại công nghiệp hay văn minh hiện đại thì ngôi đình làng, các ngôi miếu thờ thần thành hoàng hay các nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo khác đều giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Yên Cư nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1655