Hạ Long đầu tư loạt nhà máy giải bài toán thu gom, xử lý nước thải
Đô thị hóa nhanh khiến công tác xử lý nước thải sinh hoạt đang là thách thức lớn mà TP Hạ Long phải đối mặt.
TP Hạ Long đô thị hóa nhanh, công tác xử lý nước thải sinh hoạt đang là thách thức lớn. Ảnh: Cường Vũ
Bài toán nan giải
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội TP Hạ Long đã có bước phát triển mạnh mẽ, ổn định, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP Hạ Long diễn ra rất nhanh, tạo nên bộ mặt mới mẻ, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Song, cũng do phát triển quá nóng nên nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nói riêng chưa thể đáp ứng kịp so với yêu cầu của quá trình đô thị hóa. Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý là 20.113m3/ngày đêm, mới chỉ đạt 50% so với lượng nước thải phát sinh.
Nỗi khó này không chỉ của riêng Hạ Long mà diễn ra trên cả nước. Chẳng hạn như Đà Nẵng, theo thống kê, tổng lượng nước thải sinh hoạt từ khu vực đô thị là gần 900.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải đô thị đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ngày đêm (tức chỉ có khoảng 1/3 khối lượng nước thải được xử lý).
Nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP Hồ Chí Minh. Báo cáo của thành phố này cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm). Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%)
Ngay như Hà Nội, mới có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
TP Hạ Long tăng cường nguồn lực
Ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, tại khu vực chợ Hạ Long 1, một số cống xả nước thải có hiện tượng nước xả ra màu đen, đặc biệt vào những hôm thủy triều xuống có mùi hôi, gây cảm giác khó chịu cho người đi bộ.
Khu vực trước chợ Hạ Long 1 hay bị "nặng mùi", thường vào những ngày thủy triều xuống. Ảnh: Cường Vũ
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Ngọc Thế, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hạ Long thừa nhận hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đã được đầu tư, xây dựng nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển của thành phố.
Để giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt cho TP Hạ Long, ông Thế cho biết thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 dự án thu gom và xử lý nước thải. Đối với khu vực phía Tây TP Hạ Long, xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải tại phường Hà Khẩu có công suất 16.200m3/ngày đêm (công suất tối đa 19.000m3/ngày đêm).
Đối với khu vực phía Đông TP Hạ Long, xây dựng dựng 2 nhà máy xử lý nước thải, gồm 1 nhà máy tại phường Hà Phong có công suất 7.900m3/ngày đêm (công suất tối đa 9.300m3/ngày đêm); bổ sung 1 nhà máy xử lý nước thải mới trong khuôn viên nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh hiện có với công suất 13.700m3/ngày đêm (công suất tối đa 17.500m3/ngày đêm).
"Hiện thành phố đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 2 nhà máy xử lý nước thải Hà Khẩu, nhà máy xử lý nước thải Hà Phong và tuyến đường vào nhà máy xử lý nước thải Hà Khẩu; Đang giải phóng mặt bằng 5 trạm bơm và giếng tách, trong đó phường Hà Khánh 1 trạm, Hà Khẩu 1 trạm, Hà Tu 2 trạm và Hà Trung 1 trạm", ông Thế cho hay.
Cá heo xuất hiện tại cửa vào Hang Luồn trên vịnh Hạ Long sáng 29/3. Điều này cho thấy chất lượng nước trong vịnh gần đây tốt hơn nhờ việc cấm đánh bắt thủy sản trong vùng lõi nên cá heo xuất hiện nhiều hơn để săn mồi. Ảnh: Du thuyền Essence Grand
Đối với khu vực trung tâm TP Hạ Long, đường Trần Quốc Nghiễn, nơi tập trung đông dân cư và khách du lịch, để không cho nước thải xả trực tiếp ra khu vực ven bờ tuyến đường này thì thành phố đã đầu tư hệ thống 14 trạm bơm và đường dẫn về các nhà máy xử lý nước thải của thành phố. Hiện UBND TP Hạ Long đang báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho nâng cấp các trạm xử lý để xử lý nước thải trên địa bàn.
"Ngày 23/11/2023, UBND TP Hạ Long đã có Văn bản số 9413/UBND-TNMT báo cáo UBND tỉnh xin mở rộng phạm vi thu gom nước thải để đưa về xử lý tại các trạm xử lý tập trung. UBND tỉnh đã tiếp nhận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lấy ý kiến tham gia. Ngày 27/02/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1087/TNMT-BVMT báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan đã đồng thuận với nội dung đề xuất. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương mở rộng vùng thu gom, UBND TP Hạ Long sẽ tiến hành lập dự án đầu tư để triển khai", ông Trần Ngọc Thế thông tin.
Theo bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, với những dự án đang triển khai đã có thiết kế hạ tầng trạm xử lý, nhà máy, thành phố sẽ đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định thì mới được đưa vào sử dụng. Đồng thời, địa phương đang đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các địa phương xem xét phương án cải tạo hệ thống sông, hồ điều hòa nhằm tạo ra sự kết nối với hệ thống thoát nước đô thị.
Theo Nongnghiep.vn
Tin tức khác
- PHƯỜNG ĐẠI YÊN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN
- THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
- (Video) Hưởng ứng Ngày pháp luật 2024
- Quảng Ninh) Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Nâng cao tinh thần cảnh giác với nguy cơ cháy rừng