Xây dựng TP Hạ Long giàu đẹp, văn minh, an ninh, an toàn và hiện đại, là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 30/6, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy họp để nghe và cho ý kiến về nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án, dự thảo Nghị quyết về phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, kinh tế - xã hội của TP Hạ Long mới đã có thêm những định hướng phát triển mới và phải giải quyết mâu thuẫn của 2 đồ án quy hoạch chung với thực tế quản lý phát triển đô thị. Với yêu cầu này, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đồ án quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, hồ sơ nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Hạ Long đã được UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định. UBND tỉnh đang chỉ đạo UBND TP Hạ Long, các ngành triển khai các công việc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc họp, BTV Thành ủy Hạ Long báo cáo đánh giá tình hình triển khai các quy hoạch đã có và các nội dung chính Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu của lập Quy hoạch chung là xây dựng quy hoạch tổng thể thống nhất cho địa giới TP Hạ Long, nghiên cứu chiến lược phát triển mới và đề xuất giải pháp phát triển cụ thể cho khu vực Vịnh Cửa Lục. Trong đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao vai trò, vị thế của TP Hạ Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, tạo giá trị phát triển mới để tăng sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Phát triển thành phố theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm phát triển theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc. Xây dựng, phát triển Hạ Long trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại 1; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ, phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế.

Cho ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch, các nguyên tắc, định hướng chính trong quá trình nghiên cứu Quy hoạch chung TP Hạ Long, BTV Tỉnh ủy yêu cầu khi xây dựng đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát vào quan điểm, mục tiêu, định hướng về phát triển TP Hạ Long mới là lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực.

Nhất trí với đề xuất mô hình và cấu trúc phát triển đô thị theo mô hình đa cực, gắn với các hành lang phát triển gồm 5 cực phát triển (Vịnh Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục, khu vực đồi núi phía Bắc); 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối, BTV Tỉnh ủy yêu cầu cần nghiên cứu kỹ khu vực ven Vịnh Cửa Lục để định hình hành lang giao thông, đô thị, kinh tế khu vực này.

Về phạm vi nghiên cứu là toàn bộ TP Hạ Long sau mở rộng, tuy nhiên cần xác định rõ trọng tâm nghiên cứu là khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long để tìm kiếm ý tưởng phát triển mới cho các khu vực vùng cao TP Hạ Long có động lực và thêm nguồn lực phát triển. Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, cần kế thừa đầy đủ Quy hoạch 702 (Quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050); giữ gìn và phát huy quỹ rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện nay; rà soát và đề xuất một số khu vực để bổ sung quỹ rừng tạo không gian xanh cho thành phố.

Về chức năng đô thị của TP Hạ Long mới, cần nghiên cứu theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và có sức chống chịu cao; đô thị thông minh có tính dẫn dắt của kinh tế số, xã hội số.

Đề cập đến một số nội dung cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, BTV Tỉnh ủy yêu cầu, đối với khu vực đồi núi phía Bắc, cần khảo sát, nghiên cứu kỹ hiện trạng, nhận rõ tiềm năng, lợi thế, thách thức để có thêm các ý tưởng đề xuất phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh cũng như đô thị nông thôn, nông thôn, nông nghiệp cho khu vực này. Đối với khu vực KCN Cái Lân và cảng Cái Lân, cần đánh giá đầy đủ hiện trạng, các tác động để đề xuất sắp xếp lại theo đúng chủ trương của tỉnh, đảm bảo tính khả thi cao và không gây xáo trộn nhiều cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đối với khu vực khai thác than, cần làm rõ lộ trình khai thác than, đá, vật liệu xây dựng theo đúng tinh thần chung của tỉnh. Đối với phát triển công nghiệp nhiệt điện và xi măng, bám sát đúng định hướng Quy hoạch 702.

BTV Tỉnh ủy cũng yêu cầu cần nghiên cứu để cập nhật vào đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long một số khu vực, địa điểm đã được BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Cụ thể, khu vực hai bên đường vào Tuần Châu, BTV Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, tạo cảnh quan môi trường không nghiên cứu thực hiện dự án Khu đô thị tại 2 lô đất hai bên đường vào Tuần Châu tại Kết luận số 507-KL/TU. Khu vực phía đồi đoạn từ nút giao Minh Khai đến Bãi Cháy, BTV Tỉnh ủy thống nhất nghiên cứu để gìn giữ, bảo tồn và phát triển, làm giàu vốn rừng; đồng thời, kết hợp cùng khu vực hồ Yên Lập để nghiên cứu tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hạ Long, báo cáo tại hội nghị.

Cùng ngày, BTV Tỉnh ủy đã nghe tờ trình về việc phê duyệt Đề án và dự thảo Nghị quyết về phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tiếp tục tạo các cơ chế chính sách đột phá, tạo nguồn lực để Hạ Long phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh, nhất là sau khi sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long. Đề án nêu rõ, quan điểm phát triển Hạ Long là thành phố thủ phủ, luôn được xác định là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh. Do đó, phát triển Hạ Long là trách nhiệm chung của tỉnh cùng với trách nhiệm trực tiếp của cả hệ thống chính trị, nhân dân thành phố. Sau sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh cơ hội là chủ yếu, sẽ xuất hiện những thách thức, do vậy Đảng bộ thành phố cần chủ động phát hiện các mâu thuẫn, thách thức để tập trung giải quyết

 

Mục tiêu phát triển là kế thừa, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục khai thác hiệu quả ba trụ cột phát triển là con người, thiên nhiên, văn hóa; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối để xây dựng thành phố theo hướng giàu đẹp, văn minh, an ninh, an toàn và hiện đại, là trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh.

Cho ý kiến vào nội dung này, BTV Tỉnh ủy thống nhất nhận định, những năm vừa qua TP Hạ Long có sự phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết số 04 của BTV Tỉnh ủy với rất nhiều cơ chế, nhiệm vụ, giải pháp rất đúng hướng, thực sự là "cú huých” giúp Hạ Long thay đổi căn bản diện mạo đô thị, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, sau khi ban hành và triển khai Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh đã mở ra một giai đoạn phát triển mới bền vững hơn không chỉ của riêng TP Hạ Long mà còn của cả tỉnh. TP Hạ Long đã có sự phát triển toàn diện. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá với những công trình đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp. Môi trường đầu tư được cải thiện, cải cách hành chính được đẩy mạnh.

BTV Tỉnh ủy thống nhất cần ban hành Nghị quyết về phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào nhiệm vụ rất lớn của thành phố đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, đó là kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Nhìn nhận về tiềm năng, cơ hội, có thể thấy Hạ Long đang rất nhiều cơ hội phát triển cả về quy mô kinh tế, điều kiện hạ tầng. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức, đó là giữ vững tiêu chí đô thị loại 1 trong 5 năm tới; tháo gỡ một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, đất đai; giải quyết bài toán về nông thôn, nông nghiệp, nông dân, nâng thu nhập, giảm chênh lệch vùng miền của khu vực vùng cao, vùng thấp.

Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu; các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, cần tiếp tục bám sát và cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XXV của Đảng bộ TP Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, xác định động lực phát triển của TP Hạ Long trong 5 năm tới trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. TP Hạ Long phải là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu kinh tế, trong đó du lịch, dịch vụ vẫn là ngành kinh tế chủ đạo; tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, kết hợp với phát triển hợp lý ngành khai thác khoáng sản theo quy hoạch gắn với lộ trình giảm khai thác lộ thiên; phát huy các cơ hội của kinh tế biển, kinh tế nông, lâm, thủy sản; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Về giải pháp thực hiện, thống nhất với các giải pháp đã nêu trong tờ trình và dự thảo Nghị quyết, BTV Tỉnh ủy yêu cầu thành phố tiếp tục giữ địa bàn an toàn, ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới, tranh thủ thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, nhất là vực dậy ngành Du lịch.

Về nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn liền với xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức bộ máy tinh gọn và đội ngũ CB,CC,VC tinh giản gắn với vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Để giải quyết bài toán hạ tầng đô thị loại 1, phải huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, giữ vững đô thị loại 1. TP Hạ Long phải là địa phương đi đầu trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số.

Về quản lý nhà nước, tập trung tăng cường quản lý về quy hoạch, trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. TP Hạ Long phải coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường Vịnh Cửa Lục, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Về phát triển văn hóa xã hội, con người, phải gắn con người và nụ cười Hạ Long, văn minh đô thị; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền.

Ngoài ra, bổ sung các nhiệm vụ về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu Hạ Long; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN, huy động phân bổ sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Về quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

Về các kiến nghị đề xuất, chủ trương chung là phân cấp ủy quyền tối đa cho thành phố những nội dung theo quy định của pháp luật để thành phố phát huy chủ động, sáng tạo gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình.

Thu Chung

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 29