TP Hạ Long: Giữ vững độ che phủ rừng

Giữ vững độ che phủ rừng ổn định từ 60,8-61%, hằng năm trồng khoảng 2.000ha rừng, tốc độ phát triển kinh tế lâm nghiệp đạt từ 2,5-3%... là những mục tiêu đặt ra của TP Hạ Long để hiện thực hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. TP Hạ Long đang tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

.

.

 

Xã Thống Nhất ra quân giải toả những hộ nuôi hà trái phép trên đất bãi triều.

 

Năm 2019, gần 200 hộ dân ở xã Thống Nhất và xã Lê Lợi tự ý xâm hại rừng ngập mặn, lấn chiếm trên 500ha đất bãi triều, cắm cọc nuôi hà, đắp bờ, vây vùng để nuôi trồng thủy sản, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông dòng chảy, xâm hại môi trường, cảnh quan. Nhiều hộ dân còn có dấu hiệu trục lợi để chiếm đất, chờ đền bù GPMB. Qua nắm tình hình, tháng 8/2019, TP Hạ Long đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo gỡ cọc nuôi. Đối với những hộ cố tình chống đối, các địa phương đã tập trung ra quân để giải tỏa số cọc cắm nuôi hà trái phép. Sau 1 tháng ra quân, toàn bộ diện tích lấn chiếm đã được trả lại nguyên trạng. Để giữ vững kết quả này, các xã Thống Nhất, Lê Lợi đã thành lập Tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ hệ sinh thái rừng; tổ chức tuần tra thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc xâm hại, chặt phá cây rừng…

Ban Quản lý rừng và chính quyền các địa phương đã góp phần phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

 

Cùng với quản lý chặt chẽ rừng ngập mặn, thành phố thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020; ban hành quy chế quản lý, phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thành lập Tổ công tác rà soát của hộ gia đình, cá nhân; ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp; quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng; điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp ở các địa bàn có tài nguyên khoáng sản; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng có sai phạm; chấm dứt tình trạng mua bán và hợp thức hóa quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật…

Đến nay, trên cơ sở hồ sơ quản lý, có đối soát sơ bộ tại thực địa, công tác giao đất, cho thuê đất rừng của thành phố ngày càng có chuyển biến tích cực. Hiện diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình cá nhân là trên 21.500ha/6.500 hộ; diện tích các hộ gia đình đang quản lý chưa giao là gần 3.500ha/670 hộ. Đối với phần diện tích do các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được nhận khoán rừng của Ban Quản lý rừng đặc dụng (đã giải thể, nay được UBND các xã, phường quản lý), thành phố đang tiếp tục rà soát cụ thể để giao đất, giao rừng cho thuê đất, cho thuê rừng theo quy định.

Để giữ vững độ che phủ rừng, TP Hạ Long tiếp tục giải quyết dứt điểm, triệt để các phần diện tích chồng lấn giữa đất của các Ban Quản lý rừng với các tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng.

 

Để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, đặc dụng, hạn chế tối đa việc tác động tiêu cực vào rừng, các chủ rừng, các Ban quản lý, đặc biệt là Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao năng lực quản lý, phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Qua công tác tuần tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện, xử lý 5 vụ chặt phá trái phép gần 28ha rừng tại các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Bằng Cả; trong đó có 2 vụ đã được các cơ quan chức năng quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thành phố đã thu hồi gần 10ha đất rừng và hồ sơ giao đất, giao rừng do giao vượt hạn mức theo phương án; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với 145 trường hợp sử dụng sai mục đích... Với những biện pháp này, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của thành phố đạt 60,8% (toàn tỉnh là 55%); không để hình thành điểm nóng, gây mất ANTT trên địa bàn.

Ông Lê Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Hạ Long, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU, thành phố tiếp tục giải quyết dứt điểm, triệt để các phần diện tích chồng lấn giữa đất của các Ban Quản lý rừng với các tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng; không cấp mới, mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất những dự án có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển rừng. Song song với đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 859