Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản
Trên địa bàn TP Hạ Long có 22/32 xã, phường có tài nguyên khoáng sản (than, cát, đá, sét, đất san nền); trong đó 18 xã, phường có tài nguyên than với 9 đơn vị ngành than; 8 đơn vị khai thác sét và sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói); 12 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng; có 16 cảng, cụm cảng, bến. Với nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, tiềm ẩn nguy cơ khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép, song, với sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, thành phố đã kiểm soát tốt tình hình, không để hình thành điểm nóng, phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, cấp uỷ, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận chỉ đạo của tỉnh, thành ủy, đặc biệt Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết và các chỉ đạo của Thành ủy là việc làm thường xuyên, liên tục; kịp thời đánh giá, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Thành phố quán triệt tinh thần thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU, địa bàn nào để xảy ra vi phạm, tiêu cực liên quan đến công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản (cát, đá, sỏi, đất san nền) thì Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng công an các xã, phường, người đứng đầu cấp ủy và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham mưu, thẩm định, phê duyệt dự án nếu để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thực hiện dự án nhằm khai thác khoáng sản trái phép.
Đối với UBND cấp xã; các phòng, ban và các đơn vị liên quan đến lĩnh vực khoáng sản đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai các nội dung bằng các hình thức phù hợp như thông qua hội nghị, các buổi sinh hoạt chi bộ, các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và chuyển biến về nhận thức đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
Thành phố cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường phối hợp cùng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đẩy mạnh đấu tranh xử lý vi phạm, tăng cường quản lý tài nguyên và các tuyến vận tải, tiêu thụ khoáng sản; phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ. Thực hiện và duy trì chế độ giao ban thường kỳ với ngành than để chủ động nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Các đơn vị ngành than đã chủ động tổ chức các biện pháp bảo vệ và phối hợp với thành phố, UBND các xã, phường có liên quan để bảo vệ, kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác than trái phép, đảm bảo an ninh trật tự về ranh giới mỏ và địa bàn quản lý.
Tương tự, đối với các khoáng sản khác, địa phương thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan để triển khai xây dựng các quy hoạch mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng; dự án đầu tư, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định. Kiểm tra, giám sát các hoạt động tại các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; kiểm tra bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đặt biệt là cát, sét và đất san lấp nhằm ngăn không để xảy ra khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Đồng thời chấn chỉnh hoạt động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Việc cấp, gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản phù hợp với nội dung Quy hoạch khoáng sản của tỉnh, quy định của pháp luật; quá trình thẩm định hồ sơ luôn được kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến khu vực cấm, hạn chế hoạt động khoáng sản, các vấn đề liên quan đến môi trường, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân địa phương. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường trước khi thực hiện dự án...
9 tháng năm 2024, trên địa bàn TP Hạ Long không xảy ra tình trạng khai thác, chế biến than trái phép. Qua kiểm tra, phát hiện, xử lý 13 vụ/13 đối tượng mua bán, kinh doanh, vận chuyển, tập kết than không có nguồn gốc hợp pháp; tịch thu 150,13 tấn than các loại; xử phạt vi phạm hành chính 91 triệu đồng. Về khoáng sản khác, thành phố đã kiểm tra, xử lý 3 vụ việc vi phạm liên quan đất đai, đổ thải trái phép, khai thác cát trái phép, xử phạt trên 50 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền giá trị tang vật vi phạm hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với 1 đơn vị, xử phạt 175 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 24 triệu đồng; buộc cải tạo phục hồi môi trường thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn TP Hạ Long có những chuyển biến tích cực. Qua đó, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra điểm nóng về khai thác than, khoáng sản trên địa bàn.
Tin tức khác
- PHƯỜNG ĐẠI YÊN LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ RA QUÂN TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ, PHÁO NỔ VÀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
- Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh thăm, tặng quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại thành phố Hạ Long
- Công an thành phố triển khai công tác và phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2025
- Khánh thành tuyến đường tổ 1, khu 1 và nhà văn hoá khu 1, phường Đại Yên