Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố
.Mua và bán “như một thói quen”
Bất cứ nơi đâu, từ các khu chợ truyền thống, cổng trường học, các khu du lịch, một vạt vỉa hè, hay thậm chí sâu trong các con ngõ nhỏ, rất dễ dàng để mua được các loại đồ ăn đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt với đủ loại đồ ăn nhanh như: thịt nướng, chân gà, cánh gà, trà sữa,...
Khách hàng của những hàng quán này cũng rất đa dạng. Từ người đi làm, học sinh, sinh viên, thậm chí, nhiều cụ ông, cụ bà cũng sẵn lòng dừng chân tại một điểm bán để chờ mua những thức quà nóng hổi luôn phục vụ từ sáng sớm tới đêm khuya này. Bởi lẽ, lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là rẻ, nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam.
Tại một khu chợ truyền thống thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán các món ăn được chế biến ngay trước mắt khách hàng. Không che chắn, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, người bán dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn,... đã không còn là hình ảnh hiếm thấy. Thậm chí, có quán ăn còn kinh doanh ngay cạnh khu tập kết rác thải tự phát của người dân, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Trả lời phóng viên trước nghi vấn về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ hàng quán tại đây mạnh mẽ khẳng định: "Tôi đã bán ở đây nhiều năm rồi, ăn xong có bị sao cứ tới bắt đền, còn sợ thì đừng ăn".
Chị Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) - một người thường xuyên sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn tâm sự: “Đôi khi mình sử dụng chỉ vì thói quen thôi. Sáng sớm đi làm không kịp chuẩn bị đồ ăn sẽ tranh thủ ghé mấy hàng quán nhỏ trên đường đưa con đến trường để mua đồ ăn cho bé. Chiều đi làm về nếu mệt quá mình cũng chọn mua đồ ăn sẵn để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Việc mua đồ ăn sẵn cũng giúp mình có thêm thời gian cho bản thân, các con cũng thích nữa nên mình vẫn sử dụng đến giờ”.
Cũng là một khách hàng quen mặt của các sạp đồ ăn chế biến sẵn song Ngọc Huyền (Hà Đông, Hà Nội) không tránh khỏi những trải nghiệm không tốt. Cô bạn chia sẻ: “Một vài lần mình sử dụng đồ ăn mua ở ngoài và đã bị đau bụng, tiêu chảy. Lúc đấy cũng không biết phải làm sao cả, chỉ tự đi mua thuốc và không ăn ở quán đó nữa thôi. Vì quỹ thời gian không cho phép khi phải vừa xoay ca học trên trường, đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội khác. Phần lớn các bữa ăn trong tuần mình vẫn sử dụng đồ ăn chế biến sẵn”.
“Tụ điểm” lý tưởng của sinh viên
Sát các khu trường học, ký túc xá, thức ăn đường phố càng được đà phát triển mạnh, bởi đây được cho là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này nhiều nhất. Khoảng 3 - 4 giờ chiều hàng ngày, những xe đẩy “ẩm thực” lại liên tiếp mọc lên tại khu vực ngõ 130 Xuân Thủy - nơi được mệnh danh là “thiên đường ăn uống” của sinh viên Cầu Giấy.
Ngay ở đầu ngõ, một loạt các xe đẩy với mặt hàng là “xiên bẩn” - tên gọi quen thuộc của các loại viên chiên đối với các bạn sinh viên được chào mời với giá chỉ từ 2.000 đồng. Không tốn quá nhiều chi phí, các bạn sinh viên đã có một bữa xế “chất lượng” với đầy đủ đồ ăn, nước uống giải khát và một chỗ ngồi “thoáng mát” để lai rai câu chuyện đến tận khuya.
Ghé vào một xe đẩy ngay đầu chợ, người bán hàng rất niềm nở chào mời. Thế nhưng, khi được đặt những câu hỏi liên quan đến chất lượng cũng như nguồn gốc của các sản phẩm được bày bán, ngoài đáp án “không biết vì hàng được người khác lấy hộ”, chủ quán trở nên cáu gắt, lườm nguýt, nhất quyết không trả lời các câu hỏi này.
Tại những hàng xiên ven đường lề chợ, có xiên đã ngả màu vì được chiên đi chiên lại nhiều lần, có viên đã cháy xém một mặt. Tuy nhiên, chỉ 20 phút ngồi xuống lề đường cạnh chiếc xe đẩy đã có bốn nhóm khách ghé vào mua hàng. Điều này đủ để thấy độ “hot” của loại thực phẩm này với nhiều người. Người bán luôn chân luôn tay mời khách và làm hàng song lại không hề sử dụng bao tay để chọn viên xiên hay pha nước cho khách, ngoại trừ lúc gắp viên chiên ra khỏi chảo dầu nóng. Dẫu vậy, khách hàng vẫn vô tư “nạp” những loại thực phẩm này vào cơ thể.
Châu Ngọc Hân (Cầu Giấy, Hà Nội) - một khách hàng “quen thuộc” của các hàng viên chiên ngõ 130 cho biết, gần như tuần nào cô bạn cũng sẽ ghé ăn vài lần cùng bạn bè. Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Ngọc Hân thật lòng bày tỏ: “Lo thì cũng có lo, vì trên báo đài cũng có đề cập đến tác hại của những món ăn như vậy. Nhưng vì nó rẻ, ngon và phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên nên mình vẫn nhắm mắt lựa chọn”.
Nguy cơ mất an toàn từ thức ăn đường phố
Gần như ngày nào, một hội nhóm chuyên chia sẻ trải nghiệm ăn uống trên Facebook với hơn 355 nghìn thành viên cũng có bài đăng mới “bóc phốt” các quán ăn về chất lượng cũng như dịch vụ. Có người chia sẻ câu chuyện đồ ăn được “tặng kèm topping lạ”, trường hợp khác chỉ biết than trời khi nhận lại sản phẩm đã hỏng, không thể sử dụng được nữa. Bên cạnh đó, nhiều người còn đặt ra câu hỏi lớn về quy trình chế biến cũng như chất lượng những món ăn đang hàng ngày được giao tới tay khách hàng.
Trên thực tế, hầu hết thức ăn đường phố được bày bán tự phát, tràn lan, và gần như không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc không đảm bảo quy trình sản xuất, bảo quản cũng như chất lượng sản phẩm đầu vào rất dễ tạo điều kiện cho dị vật lẫn vào thức ăn khiến cho chất lượng sản phẩm bị thay đổi.
Chuyên gia dinh dưỡng Phúc Thịnh cho biết: “Thời tiết mùa hè ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc khiến cho thực phẩm dễ bị hư hỏng. Cũng bởi vậy, đây được coi là mùa của các bệnh truyền qua thực phẩm như tiêu chảy, dịch tả, sốt thương hàn,... Mọi người, đặc biệt là người có sức khỏe yếu, người già và trẻ em cần chú ý ăn uống lành mạnh, khoa học và đủ chất. Khi lựa chọn thức ăn đường phố, rất khó để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, người mua hàng nên tìm đến các cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và tuyệt đối không sử dụng đồ ăn có mùi vị lạ, nghi ngờ đã để qua đêm hay, bị biến chất.”
Thông tư số 30 về “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” của Bộ Y tế đã quy định rõ, các cá nhân, tổ chức kinh doanh thức ăn đường phố phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ,...
Tuy nhiên, những hàng quán kinh doanh sản phẩm là thức ăn đường phố thực tế đã và đang đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí kể trên có lẽ còn là một dấu hỏi lớn cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.
Tin tức khác
- HỒ SƠ ĐỀ XUẤT CẤP ĐỘ 1 HỆ THỐNG MẠNG NỘI BỘ PHƯỜNG ĐẠI YÊN THÀNH PHỐ HẠ LONG
- QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành phương án ứng cứu, xử lý sự cố cho hệ thống thông tin của UBND phường Đại Yên
- QUYẾT ĐỊNH Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho Hệ thống mạng nội bộ tại UBND phường Đại Yên
- BC Năm Kết quả công tác Lao động ~ Việc làm, Giáo dục nghề nghiệp, BTXH, Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bình đắng giói và Phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2024
- QUÝ 3 Kết quả công tác Lao động ~ Việc làm, Giáo dục nghề nghiệp, BTXH, Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bình đắng giói và Phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2024