Một số lưu ý chăm sóc gia súc, gia cầm giai đoạn chuyển mùa Thu - Đông

 Giai đoạn chuyển mùa Thu – Đông thời tiết thường diễn biến xấu, điển hình là các đợt gió bấc đầu mùa làm thay đổi đột ngột về nhiệt độ, kéo dãn biên độ nhiệt. Sự biến đổi về thời tiết sẽ tác động đến sức khoẻ đàn vật nuôi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi dễ mắc bệnh. Đồng thời kiểu thời tiết nắng mưa xen kẽ lại là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật gây bệnh phát sinh, phát triển làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đây cũng là thời điểm để các hộ chăn nuôi tái đàn phục vụ tết Nguyên đán. Một lượng lớn gia súc, gia cầm non được luân chuyển giữa các vùng, các trại nên người chăn nôi cần đặc biệt chú ý chăm sóc đàn vật nuôi để mamg lại hiệu quả cao nhất.

 

 

 

 

 

1. Chuồng trại và thiết bị chăn nuôi

 

- Kiểm tra toàn bộ chuồng trại, đảm bảo đủ diện tích, sửa chữa hoặc thay mới lại các hạng mục đã xuống cấp như tường chuồng, mái hiên, bạt che để đảm bảo chuồng nuôi không bị mưa tạt, gió lùa. Các thiết bị chăn nuôi như đèn chiếu sáng, đèn sưởi ấm, quạt thông gió phải được lắp đặt đầy đủ và kiểm tra thường xuyên đảm bảo hoạt động tốt khi cần thiết. Máng ăn, máng uống đủ số lượng, đúng kích cỡ.

 

- Chuẩn bị chuồng nuôi riêng cho gia súc gia cầm non: Đối với gia cầm non chuồng úm cần đảm bảo đầy đủ các thiết bị như quây úm bằng cót ép, bóng úm bằng đèn hồng ngoại, chất độn chuồng bằng trấu sạch hoặc phôi bào, máng ăn máng uống phù hợp theo lứa tuổi. Đối với lợn con theo mẹ cần có lồng úm riêng đảm bào kín gió, bóng úm đảm bảo đủ nhiệt và lớp lót nền bằng trấu, rơm khô, vải cũ, … tuyệt đối không để đàn lợn con nằm trực tiếp trên nền bê tông.

 

- Bố trí thêm khu vực nuôi cách ly, nuôi tân đáo. Trang bị thêm một số vật dụng cần thiết như máy phát điện, bạt dự phòng, bóng điện, …

 

2. Thức ăn

 

- Thức ăn cho đàn vật nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng. Thức ăn đúng chủng loại theo từng đối tượng và lứa tuổi của vật nuôi

          

- Đối với đàn gia cầm, giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn chỉnh, đúng chủng loại, đúng lứa tuổi. Đối với gia cầm trưởng thành có thể sử dụng thức ăn phối trộn, cần lưu ý sử dụng các thành phần giàu protein, dễ tiêu như bột ngô, bột đậu tương, cám gạo, tăng cường thêm các vitamin, khoáng chất như Bcomlex, can xin ADE, vitamin C, … để tăng sức đề kháng giúp gia cầm thích nghi tốt với điều kiện thời tiết thay đổi lúc giao mùa.

          

- Đối với đàn lợn con theo mẹ cần tập ăn sớm, sử dụng thức ăn chuyên dụng cho lợn con theo mẹ, không để lợn con ăn chung thức ăn của lợn mẹ dễ gây tiêu chảy. Với lợn mẹ khẩu phần thức ăn cần cân đối, giầu protein, chất khoáng, chất xơ.

          

- Đối với đàn trâu bò tăng cường thêm khẩu phần thức ăn thô xanh, đặc biệt những ngày thời tiết mưa gió không chăn thả được cần cho đàn trâu bò ăn thêm rau cỏ tươi, rau cỏ ủ chua kết thức ăn tinh hoặc cám viên công nghiệp. Lưu ý thức ăn tinh chỉ sử dụng một lượng nhỏ (khoảng 1 – 3kg/con/ngày) và cho ăn sau khi trâu bò đã ăn thức ăn thô xanh để tránh xảy ra tình trạng chướng hơi dạ cỏ.

 

3. Nước uống

         

- Cung cấp đủ nước sạch cho đàn vật nuôi, nước uống cần phải đựng trong máng uống chuyên dụng và được thay mới hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn. Vào các ngày nhiệt độ thấp nên gia súc, gia cầm non uống nước ấm.

          

- Vào các ngày mưa to, mưa kéo dài phải thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước, bãi chăn thả, không để vât nuôi uống nước bẩn, nước mưa đọng trong các vũng.

 

4. Chăm sóc nuôi dưỡng

         

- Thời điểm giao mùa thời tiết thay đổi thất thường, người chăn nuôi cần lưu ý thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động trong công tác chăm sóc đàn vật nuôi, hạn chế tối đa sự tác động của thời tiết bất lợi.

          

- Khi có dự báo mưa gió cần chủ động nuôi nhốt, mật độ nuôi nhốt cần phù hợp để tránh gia súc gia cầm dẫm đạp gây chết hoặc khó khăn khi ăn uống, vận động, mật độ phù hợp như sau:

         

Đối với gà: Giai đoạn úm 50 - 60 con/m2; gà từ 0,5 - 1,0 kg/con nuôi với mật độ từ 8 đến 12 con/m2, gà từ 2,0 - 3,0 kg/con nuôi với mật độ từ 3 - 5 con/m2; gà đẻ nuôi với mật độ 4 con/m2.

   

Đối với lợn: Lợn con sau cai sữa 0,4 m2/con. Lợn thịt nuôi với mật độ 0,8 - 1,2m2/con. Lợn nái nuôi con 4 - 6m2/con.

   

Đối với trâu bò: Bê nghé dưới 6 tháng tuổi 1,5 - 2 m2/con. Trâu bò thịt, bê nghé 7 - 9 tháng tuổi 3m2/con. Trâu bò sinh sản 8 - 9m2/con.

 

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của đàn vật nuôi, quan sát vật nuôi ăn uống, vận động, nếu phát hiện bất thường cần cách ly ngay ra khu vực riêng để tiếp tục theo dõi và điều trị.

 

- Khi mưa gió kéo dài, nhiệt đồ giảm thấp có thể chủ động sử dụng các loại kháng sinh thông thường như Ampicoli, Amoxilin, Lincomycin, … kết hợp cùng các thuốc bổ trợ như Vitamin, men tiêu hoá, … bổ sung vào khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi để phòng các bệnh về đường tiêu hoá và hô hấp.

 

- Khi có gia súc, gia cầm mới nhập về cần nuôi ở khu vực chuồng nuôi riêng để theo dõi tình trạng sức khoẻ trước khi cho nhập đàn. Thời gian nuôi cách ly thông thường khoảng 7 – 14 ngày.

 

3. Phòng bệnh cho đàn vật nuôi

 

- Tăng cường vệ sinh chuồng trại: Thường xuyên quét dọn, vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom chất thải, cọ rửa máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1-2 lần/tuần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực chăn nuôi để tiêu độc, diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Iodine, ... diện tích phun toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh.

          

- Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly và vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi.

          

- Thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo của cơ quan thú y:

          

+ Đối với đàn gà: Tiêm phòng các bệnh Niu-cát-sơn; Gumboro; Cúm gia cầm; Tụ huyết trùng

          

+ Đối với đàn vịt: Tiêm phòng các bệnh Viêm gan siêu vi; Dịch tả; Cúm gia cầm

          

+ Đối với lợn: Tiêm phòng 4 bệnh đỏ (Dịch tả, Đóng dấu, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn); Tai xanh; Lở mồm long móng.

          

+ Đối với trâu bò: Tiêm phòng các bệnh Lở mồm long móng; Tụ huyết trùng trâu bò; Viêm da nổi cục.

 

Chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm giai đoạn chuyển mùa Thu – Đông cần được người chăn nuôi thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

 
Tác giả : Ths. Đào Minh Thuận

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1853