Hiệu quả chương trình 135, đề án 196 tại TP Hạ Long

Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu chương trình 135. Với sự tập trung chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng chính quyền, sự đoàn kết nhất trí và thi đua nỗ lực vượt bậc của nhân dân, đến nay 3 xã đặc biệt khó khăn là: Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng và thôn Khe Cát xã Tân Dân đã hoàn thành chương trình 135.

Đường bê tông nối từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào thôn Khe Phương

Chương trình 135, Đề án 196 tập trung thực hiện 3 nội  dung chính là: thu nhập, hạ tầng kinh tế xã hội và văn hóa xã hội. Trong đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, 5 năm qua, từ nguồn vốn 135, chương trình NTM và các nguồn vốn khác,thành phố đã nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi tại địa bàn 4 xã Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Tân Dân với 04 công trình nước sinh hoạt tập trung, xây mới, nâng cấp 12 công trình đập và kênh , nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa tại địa bàn các xã thực hiện chương trình 135, Đề án 196 từ 41,98% (năm 2015) lên 86,98% (năm 2019).

Từ nguồn vốn chương trình cũng đã thực hiện kiên cố hóa xây mới, nâng cấp 18 tuyến đường trục thôn, xã, liên xã góp phần nâng tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa từ 59,15% (năm 2015) lên 93,27% (năm 2019). Không còn cảnh lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa, cũng không còn cảnh bị cô lập những hôm ngày lũ, giờ đây tại các thôn bản xa xôi nhất, xe ô tô vào tận nơi thu mua gỗ keo, nông sản hàng hóa, xe máy tay ga đã vào đến tận từng nhà hộ dân, trẻ em đi học trên những con đường sạch đẹp, không lo quần áo lấm bùn mỗi khi tới lớp.

Tiêu biểu nhất là công trình đường bê tông dẫn từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào thôn Khe Lương- thôn xa nhất của xã. Khoảng cách chỉ 8km nhưng trước đây là đường đất đá, người dân xã Kỳ Thượng cũng mất đến cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Sau khi tuyến đường bê tông được đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển từ trung tâm xã tới thôn Khe Lương chỉ còn khoảng 15 phút. Từ đầu năm 2018, huyện Hoành Bồ cũ chính thức khởi công giai đoạn 1 đường bê tông vào thôn Khe Phương, đến cuối năm 2019 thì hoàn thành giai đoạn 2, với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng, hiện thực hóa giấc mơ về một con đường bằng phẳng, sạch đẹp, không sình lầy mỗi khi mưa xuống của người dân Khe Phương. Bên cạnh đó, những hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân Khe Phương cũng đã được đầu tư. Từ một thôn không đường được cứng hóa, không sóng điện thoại, không sóng truyền hình, đến nay Khe Phương đã được lấp đầy các hạ tầng thiết yếu. Đời sống người dân trong thôn đang từng bước được nâng lên.

Anh Bàn Văn Vy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long vui mừng nói:“Nhờ có đề án 196 mà  người dân Khe Phương mới có được con đường như vậy. Trước đây, việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn rất khó khăn. Nông sản làm ra không thể tiêu thụ; hầu hết là tự cung tự cấp. Lúc ốm đau bà con phải lấy võng khiêng người bệnh đi cả nửa ngày mới đến trạm y tế xã. Giờ thì tốt rồi. Con đường mới này chính là động lực để người dân Khe Phương tập trung sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Tại địa bàn 4 xã đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 6 công trình trường học để góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đối với ngành giáo dục tại các địa bàn trên. Trong đó công trình trường Tiểu học và THCS Kỳ Thượng được chọn là 1 trong 4 công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố. Xây dựng mới 08 phòng học, cải tạo, sửa chữa trường TH&THCS Đồng Sơn với tổng kinh phí 7.300.000.000 đồng do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội vận động tặng.

Công trình trường mầm non xã Kỳ Thượng

Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội, Đề án 196 chú trọng nâng cao đời sống- thu nhập cho người dân.

Bà Lý Thị Lan, thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng năm nay 63 tuổi. Chồng bà mất sớm, bà và 7 người con lo ăn từng bữa. Cái nghèo đeo đẳng. Khi xã Kỳ Thượng bắt đầu triển khai đề án 196, bà Lan là một trong những hộ dân được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản. Với kinh nghiệm chăn nuôi học hỏi từ bà con chòm xóm cùng những kiến thức được các cơ quan chuyên môn tập huấn, bà Lan không những duy trì mà còn phát triển được đàn trâu của gia đình.

Bà Lan bộc bạch: “Năm 2016 gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ 1 con trâu, qua mấy năm chăn nuôi đến nay gia đình đã phát triển thêm được 2 con trâu con nữa. Năm 2019 gia đình tôi đã thoát nghèo. Chúng tôi rất phấn khởi.”

Không chỉ có gia đình bà Lý Thị Lan, thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2016- 2020, trên địa bàn toàn thành phố đã giải ngân trên 9 tỷ đồng cho 543 người tham gia thực hiện dự án, gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư thiết yếu (thức ăn chăn nuôi, phân bón) cho 492 hộ với kinh phí hỗ trợ trực tiếp trên 5 tỷ đồng; hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất  như máy cày, máy xay xát, máy cưa… cho 51 hộ với kinh phí hỗ trợ 638 triệu đồng.

Chị Bàn Thị Lan, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long chia sẻ: "Gia đình tôi được hỗ trợ gần 10 triệu đồng, gia đình cũng đầu tư thêm khoảng 5 triệu nữa để trồng cây quế. Hiện nay rừng quế có khoảng 7000 cây đang phát triển tốt.”

Mô hinh rừng quế của gia đình chị Bàn Thị Lan

Từ các mô hình, dự án phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của các xã, thôn thuộc chương trình 135, đề án 196 tăng từ 18.05 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 35.68 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Thông qua các mô hình, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia mô hình đều tăng thêm tăng từ 5% đến 10%/năm; bình quân mỗi năm có 70-75% số hộ tham gia mô hình thoát nghèo, thoát cận nghèo. Kết quả giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn 4 xã Tân Dân, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Đồng Sơn đã có 516 hộ thoát nghèo, 615 hộ thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,15%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 12% so với đầu năm 2016, đạt mục tiêu đề ra.

Đồng chí Lý Tiến Điền Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, TP Hạ Long cho biết: “Xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó xác định rõ mục tiêu cụ thể, các giải pháp giảm nghèo  bằng nhiều giải pháp như: tuyên truyền để người dân ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các nguồn vốn khác nhau nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần từng bước thoát nghèo bền vững…

Thực hiện tiêu chí về văn hóa - xã hội, trên địa bàn các xã, thôn khó khăn đã duy trì tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS, từng bước nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp cấp THPT (phổ thông, bổ túc, học nghề) và tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên ngày càng được nâng cao. Hiện tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm tại xã Kỳ Thượng là 96,1%; xã Đồng Sơn 91,4 %, xã Đồng Lâm 92%, xã Tân Dân 92,3%).

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã đầu tư xây mới Trạm Y tế xã Tân Dân, sửa chữa Trạm Y tế xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Hiện cả 4 xã, thôn khó khăn đều có bác sỹ biên chế công tác tại Trạm Y tế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 ước đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tại các xã thuộc chương trình 135 đạt từ  99,5% đến 100%.

Bên cạnh đó, Thành phố đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã theo tiêu chí hoàn thành Chương trình 135. Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức xã cơ bản đạt chuẩn. Tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ xã, thôn và hộ nghèo, cận nghèo thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn với trên 350 lượt người tham dự. Qua các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, cộng đồng đã bổ sung kỹ năng điều hành, quản lý dự án đầu tư, nâng cao kiến thức pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về giảm nghèo, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Bà Lý Thị Lan, xã Kỳ Thượng thoát nghèo nhờ trợ lực của chương trình 135

Thoát diện đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ bước đầu. Đích vươn tới của các xã, thôn là nâng cao thu nhập cho người dân, thoát nghèo bền vững; tạo đà tiến tới xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020 này, trên cơ sở kết quả tích cực của đề án 196, xã Kỳ Thượng sẽ rà soát các tiêu chí, tập trung hoàn thiện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Linh Hồng Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng khằng định: "Từ nay đến cuối năm, xã xây dựng kế hoạch giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo. Trong đó, tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, khuyến khích các hộ tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt, xã đã lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Đề án 196... để đầu tư các công trình hạ tầng. Các công trình đều hiệu quả, xã đang tập trung dồn lực để đến cuối năm nay hoàn thành mục tiêu “hai trong một” đã đề ra.

Có được kết quả này là nhờ trợ lực từ Chương trình 135 nói chung và Đề án 196 nói riêng. Tại TP Hạ Long, đề án được đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, nhằm mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 trên địa bàn toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo tiêu chí hiện hành.

Trong 5 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình 135, đề án 196 trên địa bàn thành phố là gần 600 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố và xã; vốn xã hội hóa, đối ứng của người dân, vốn lồng ghép khác và vốn tín dụng. Đến nay có 6/6 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135 (trong đó 04 thôn đã được Ủy ban dân tộc có quyết định công nhận  là thôn Khe Lèn, Đồng Trà- xã Đồng Lâm; thôn Khe Cát- xã Tân Dân, thôn Khe Càn- xã Đồng Sơn và 02 thôn Khe Lương, Khe Tre- xã Kỳ Thượng cùng với xã Kỳ Thượng đã báo cáo Ban Dân tộc tộc tỉnh đề nghị tỉnh báo cáo Ủy ban dân tộc công nhận hoàn thành chương trình 135.

Sau 5 năm thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2016- 2020, sau 6 tháng sáp nhập 2 địa phương Hoành Bồ và Hạ Long, đến các xã vùng cao của Hạ Long hôm nay, ở bất kỳ thôn, bản nào đều nhận thấy sự đổi thay rõ nét về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, cách thức sản xuất của người dân. Hiện, UBND thành phố ban hành kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung lập Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi gia đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sau khi Đề án được trình và phê duyệt là cơ sở để bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống kinh tế xã hội các xã hoàn thành chương trình 135 và các xã có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại địa bàn thành phố phát triển bền vững trong thời gian tới./.

 

Hồng Phương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 170